Trong ngành công nghiệp gỗ dán, vùng nguyên liệu đóng vai trò thiết yếu, quyết định chất lượng và tính bền vững của sản phẩm. Việt Nam, với nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là các loại cây gỗ, đã phát triển những vùng nguyên liệu đa dạng, phục vụ nhu cầu sản xuất gỗ dán ngày càng cao.

 

1. Đặc điểm chung

 

Theo báo cáo về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích đất có rừng, bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán, đạt 14.790.075 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.134.082 ha, và rừng trồng chiếm 4.655.993 ha.

Theo thống kê của địa phương, trong cơ cấu các loài cây trồng rừng sản xuất, các loài keo có diện tích hơn 2,2 triệu ha, chiếm 60,1%; các loài bạch đàn có hơn 330.000 ha, chiếm 9,08%; các loài cao su có hơn 250.000 ha, chiếm 6,82%; thông có hơn 222.000 ha, chiếm 6,02%; các loài cây còn lại gần 665.000 ha, chiếm 17,98%.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2022)

2. Các vùng nguyên liệu chính

 

MIỀN BẮC

Khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào cho sản xuất và chế biến gỗ nói chung và gỗ dán nói riêng. Các vùng nguyên liệu nổi tiếng có thể kể đến Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang,… 

 

Các loại cây gỗ công nghiệp đặc trưng của miền Bắc phải kể đến cây Keo và Bạch đàn. Ngoài ra, các loại gỗ như Thông, Bồ Đề, Mỡ, Xoan,… có sản lượng tự nhiên và rừng trồng khai thác tương đối lớn.

MIỀN TRUNG

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2022, miền Trung có tổng diện tích rừng lớn nhất cả nước là 8.176.903 ha với tổng diện tích rừng trồng là 2.308.341 ha.

 

Các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam và Thanh Hóa là những vùng dẫn đầu về trồng và khai thác gỗ. Tại đây, bạch đàn và keo được trồng phổ biến, do thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt. Mặt khác, khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum) là nguồn cung cấp gỗ cao su chính trên cả nước.

MIỀN NAM

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2022, tổng diện tích rừng khu vực miền Nam là 726.082 ha, ít hơn đáng kể so với miền Bắc và miền Trung. Nhìn chung, miền Nam không phải vùng nguyên liệu lý tưởng do điều kiện khí hậu và địa hình không phù hợp. Loại gỗ công nghiệp đặc trưng ở vùng này là cây cao su do thích nghi tốt với điều kiện khắc nghiệt. 

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2022)

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2022)

3. Các loại gỗ công nghiệp chính

 

  • GỖ KEO

Gỗ keo là một trong những loại gỗ được trồng rộng rãi nhất ở Việt Nam do có tốc độ sinh trưởng nhanh, thường đạt xấp xỉ 90 m3 gỗ tròn sau 6 năm. Gỗ keo có độ bền cơ học tốt và khả năng chống cong vênh, nứt nẻ, giúp nó trở thành nguyên liệu lý tưởng cho sản xuất gỗ dán.

Gỗ keo là nguồn nguyên liệu chính trong ngành công nghiệp gỗ dán, với nhiều loại như keo lai và keo giàng. Gỗ keo có giá thành thấp, dễ chế biến và phù hợp cho việc sản xuất các loại gỗ dán giá rẻ. Việc trồng keo không chỉ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu mà còn giúp cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương.

  • GỖ BẠCH ĐÀN

Cây bạch đàn xuất xứ từ Úc và được đem hạt giống về Việt Nam. Cây bạch đàn thích nghi được với những nơi cằn cỗi, nghèo chất dinh dưỡng, điều kiện khắc nghiệt nên rất dễ trồng, thời gian tăng trưởng ngắn nên chỉ sau 6 -7 năm là có thể khai thác.

Gỗ bạch đàn khá cứng, chắc và nặng, có thớ gỗ mịn, màu sắc từ trắng đến vàng nhạt, thích hợp cho việc làm nội thất và các công trình xây dựng. Nó cũng có khả năng chống mối mọt và ẩm mốc tốt, nhờ vào các hợp chất tự nhiên có trong gỗ.

  • GỖ CAO SU

Gỗ cao su có đặc tính dày dặn, thớ to dễ chế tạo, bắt đinh ốc vít tốt, gỗ không cong vênh, tính đàn hồi tốt, kháng mối mọt và kháng sâu. Màu sắc của ván lạng cao su cho màu ánh vàng đến màu xám, sáng đến nâu nên rất thích hợp để làm đồ nội thất bàn ghế. Ngoài ra, gỗ cao su còn có khả năng chịu lực tốt, bề mặt mịn màng, dễ dàng sơn phủ hoặc nhuộm màu để tạo ra nhiều kiểu dáng và phong cách khác nhau, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. 

Gỗ cao su chủ yếu được khai thác từ cây cao su sau khi đã hết thời gian khai thác mủ, thường được trồng ở các tỉnh miền Nam Việt Nam. Việc sử dụng gỗ cao su sau khi cây hết thời gian khai thác mủ không chỉ tối ưu hóa nguồn nguyên liệu mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu lãng phí tài nguyên.

4. Nhận xét chung

Ngành công nghiệp gỗ dán tại Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu phong phú và chất lượng cao, bao gồm gỗ keo, gỗ bạch đàn và gỗ cao su. Chất lượng gỗ ổn định, với gỗ keo và bạch đàn được ưa chuộng nhờ độ bền tốt. Chính sách trồng rừng đang góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngành công nghiệp này có nhiều tiềm năng phát triển, nhờ vào điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành gỗ dán, đồng thời bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.