Vào đầu tháng 5, một sự kiện quan trọng đã diễn ra ở nửa kia của bán cầu, đó là Bộ Thương mại Mỹ lắng nghe tranh luận của các bên về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là một phiên thảo luận quan trọng để Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường vào ngày 26/7 tới.
Theo ghi nhận từ luật sư Eric Emerson từ Công ty Luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ), đại diện của Bộ Công thương Việt Nam, chúng ta đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường hay không, cho việc trở thành một nền kinh tế thị trường.
Trong đó bao gồm mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.
Theo ông Eric, Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình theo các tiêu chí trên tốt hoặc thường tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường. Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với các quốc gia khác.
Điều quan trọng hơn là Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9/2023. Còn nhớ, vào giữa tháng 3, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ do ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), làm trưởng đoàn, đã đến Việt Nam làm việc và là bên ủng hộ mạnh mẽ việc nâng quy chế cho Việt Nam.
Tất nhiên, vẫn còn những nhóm lo ngại khi Việt Nam nâng quy chế lên kinh tế thị trường như những nhà sản xuất thép và người nuôi tôm. Hoặc một số lo ngại ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Nhưng không có cánh cửa nào mà không thể mở được và không có trở ngại nào không thể tháo gỡ. Việt Nam hiểu được sức mạnh và những giá trị nội tại của mình. Chúng ta luôn cam kết thực thi các hiệp định thương mại song phương, đa phương, đúng luật pháp quốc tế, minh bạch hóa các chính sách và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Việt Nam ngày càng có vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có một nền kinh tế năng động và là một đối tác thương mại lớn của Mỹ. Sự phát triển của Việt Nam không chỉ thúc đẩy sự phát triển của Mỹ mà còn tăng thêm sự thịnh vượng cho khu vực.
Việc nâng cấp Việt Nam lên quy chế nền kinh tế thị trường là một xu thế tất yếu để củng cố mối quan hệ kinh tế Mỹ- Việt Nam trong tương lai.
Cẩm Lê (Gỗ Việt – Số 166)